Ông chủ Trường Hải hi vọng sẽ thay đổi ngành ôtô

tranbaduong.jpg (480×330)

Ông đang từng bước đưa ngành công nghiệp ôtô thoát khỏi tình trạng giậm chân tại chỗ trong hơn 15 năm qua.

- Thaco đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ xe năm nay giảm 2% so với năm 2011. Đây cũng là lần đầu tiên Công ty đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng giảm. Ông có cho rằng mình hơi bi quan không?

- Tôi vẫn lạc quan về thị trường ôtô trong nước, nhưng cũng phải có cái nhìn thực tế để đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay của Việt Nam xuống còn 5,6%, so với 5,9% của năm 2011. Tất nhiên, tăng trưởng kinh tế sụt giảm thì ngành sản xuất ôtô cũng sẽ phải giảm theo. Tổng lượng xe dự kiến bán ra trong năm nay của Thaco sẽ giảm 2% so với con số 32.474 xe của năm 2011. Chỉ tiêu này đã phản ánh nỗ lực của công ty trong lúc kinh tế chưa hồi phục, nhất là khi so với mức sụt giảm dự kiến lên tới 20% của toàn ngành ôtô Việt Nam, theo dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

- 20% là mức sụt giảm cao nhất trong 15 năm qua. Ông nghĩ gì về dự báo này?

- Phân khúc mà tôi bi quan nhất chính là xe du lịch. Phân khúc này có thể sẽ giảm sản lượng bán 30-35% trong năm nay. Đối với Thaco, chỉ tiêu trong năm 2012 cho phân khúc xe du lịch sẽ giảm gần 17%, xuống còn 12.712 xe. Điều này cũng dễ hiểu vì sức mua tiêu dùng đang giảm xuống do kinh tế chưa hồi phục, cộng thêm vào đó là chính sách tăng thuế trước bạ và các khoản phí và thuế khác.

Tuy nhiên, trong nguy vẫn có cơ. Chúng tôi đã đưa ra mục tiêu gia tăng thị phần đối với phân khúc xe du lịch để lấy đà tăng trưởng cho những năm tới. Chiến lược gia tăng thị phần như thế nào thì tôi xin phép không tiết lộ.

1255222chart-cd.jpg (500×330)
Lượng xe bán ra của Ôtô Trường Hải năm 2006–2012

- Năm nay, Thaco vẫn đặt mục tiêu dẫn đầu về sản lượng ôtô tiêu thụ tại Việt Nam. Kế hoạch này sẽ được triển khai như thế nào?

- Với chuỗi gồm 20 nhà máy tại Khu Công nghiệp Ôtô Chu Lai - Trường Hải, năm nay Thaco sẽ tiếp tục hoàn chỉnh chuỗi giá trị của mình bằng hệ thống khép kín từ sản xuất linh kiện, phụ tùng, lắp ráp sản phẩm, phân phối đến hệ thống bán sỉ và bán lẻ trực tiếp, dịch vụ hậu mãi.

Tháng 4 vừa qua, Thaco đã mua 51% cổ phần trong công ty xe chuyên dụng Hàn Quốc Soosung với giá 3,5 triệu USD. Theo đó, Soosung sẽ chuyển giao công nghệ và cung cấp các linh kiện chính yếu để Thaco sản xuất các dòng xe chuyên dụng tại Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường hợp tác với đối tác Hyundai thông qua dự án đầu tư nhà máy sản xuất động cơ diesel 4 lít tại Chu Lai, với vốn đầu tư 104 triệu USD trong giai đoạn 1. Theo dự kiến, nhà máy sẽ được động thổ trong tháng 6 này. Các dự án tiếp theo gồm đầu tư nhà máy linh kiện nhựa và nhà máy sản xuất dây điện ôtô để phát triển mảng công nghiệp phụ trợ của Thaco.

Cảng Chu Lai - Trường Hải giai đoạn 1 có vốn đầu tư 345 tỉ đồng cũng vừa được khánh thành nhằm từng bước hoàn tất chuỗi giá trị từ nhà cung ứng đến sản xuất, kinh doanh và logistics. Về hệ thống phân phối, Thaco tiếp tục đầu tư theo hướng chuyên biệt hóa cho từng dòng sản phẩm thông qua hệ thống 14 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và siêu thị ôtô mới trong cả nước.

- Gần đây xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng trưng bày của Thaco. Đây có thể được hiểu ngầm là một động thái lấn sân sang bất động sản. Vậy Thaco đang lấn tới đâu trong chiến lược phát triển của mình?

- Có thể gọi đây là chiến lược phát triển chéo nhằm tạo sự gia tăng lớn về tài sản cho Thaco. Hiện nay, chúng tôi chủ trương mua lại quyền sử dụng đất của các cửa hàng và siêu thị ôtô để phát triển quỹ đất và giảm chi phí thuê mặt bằng. Trong tương lai, giá trị gia tăng của các bất động sản này sẽ là một lợi thế không nhỏ cho việc định giá thương hiệu của chúng tôi. Đây cũng là chiến lược đầu tư khá thành công của một số công ty sản xuất và lắp ráp ôtô trong khu vực. Thaco cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và đô thị gồm cảng biển, kho ngoại quan, hệ thống dịch vụ cơ bản (nước, điện, gas…) để hoàn tất chiến lược xây dựng chuỗi giá trị ngành ôtô.

- Đại hội cổ đông 2012 của Thaco không thấy đề cập đến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)?

- Tình hình kinh tế vĩ mô từ 2010-2012 có nhiều biến động, cùng với những thay đổi về chính sách thuế và phí, đã tác động đến lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ôtô trong nước. Vì vậy, kế hoạch IPO của Thaco sẽ được rời lại vào một thời điểm thích hợp hơn.

- Ông có cho rằng cổ phiếu của Thaco trong tương lai sẽ đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư?

- Tôi tin là vậy. Sức hấp dẫn của cổ phiếu Thaco đến từ 3 yếu tố chính: chiến lược kinh doanh chuỗi giá trị từ sản xuất tới phân phối; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Thaco được ưu đãi với mức 5% từ năm 2004-2012 và 10% từ 2013-2027) và đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn.

images632956img1197.jpg (460×307)
Thaco bắt tay với Hyundai, nhà sản xuất ôtô lớn thứ 5 thế giới, với kỳ vọng Việt Nam sẽ là cửa ngõ đặt cơ sở sản xuất và xuất khẩu ra toàn khu vực.

- Là người đề xuất chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thay vì cứ mãi theo đuổi giấc mơ về chiếc ôtô “Made in Vietnam”, xem ra ông muốn làm người tiên phong mở lối đi riêng cho ngành công nghiệp ôtô trong nước vốn vẫn đang bế tắc?

- Tôi cho rằng nếu mong muốn có được một sản phẩm ôtô “Made in Vietnam” thì việc trước tiên là phải cân nhắc về độ lớn của thị trường. Mục tiêu chúng tôi nhắm đến là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài. Liên quan đến vấn đề này, tôi cho rằng khối ASEAN với việc hội nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) từ năm 2018 sẽ tiếp tục là thị trường màu mỡ đối với các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản. Và tất nhiên họ sẽ bám rễ bằng cách mở thêm các cơ sở sản xuất tại đây.

Một quốc gia châu Á khác cũng có ngành công nghiệp ôtô mạnh là Hàn Quốc, nhưng chưa có nhiều cơ sở sản xuất tại các nước ASEAN. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định bắt tay với Hyundai, nhà sản xuất ôtô lớn thứ 5 thế giới, với kỳ vọng nếu họ muốn thâm nhập thị trường ASEAN thì Việt Nam sẽ là cửa ngõ để họ đặt cơ sở sản xuất và xuất khẩu ra toàn khu vực.

- Chiến lược này hẳn phải được xây dựng dựa trên tiềm năng phát triển của công nghiệp ôtô trong nước?

- Mặc dù quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam vừa qua còn nhiều điều bất hợp lý, nhưng tiềm năng tăng trưởng của ngành trong tương lai là có thể thấy rõ. Năm 2009, tổng giá trị sản phẩm của ngành đóng góp 1,41% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, nhưng vẫn thấp hơn 4,1% của Trung Quốc. Tỉ lệ sở hữu ôtô trên đầu người ở Việt Nam năm 2009 là 10,5 xe/1.000 người, khá thấp so với 18 xe/1.000 người của Trung Quốc. Theo VAMA, tính đến năm 2013, tỉ lệ này của Việt Nam sẽ ở mức 13,5 xe/1.000 người, tương đương mỗi năm gia tăng khoảng 64.000 xe.

- Năm 2011, tỉnh Quảng Nam đã đề xuất kế hoạch thành lập trung tâm lắp ráp và sản xuất ôtô quốc gia đầu tiên tại Chu Lai. Ý kiến của ông về việc thành lập trung tâm này?

- Việc thành lập trung tâm lắp ráp và sản xuất ôtô quốc gia có tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến lên tới 500 triệu USD là nhằm khắc phục những bất hợp lý do thiếu tính tập trung trong chiến lược phát triển của công nghiệp ôtô. Việt Nam là quốc gia đi sau, nếu muốn tạo lợi thế cạnh tranh thì phải có tính tập trung cao trong quá trình phát triển ngành. Nếu Chu Lai xây dựng được một trung tâm sản xuất ôtô tập trung thì sẽ giảm thiểu được chi phí đào tạo nhân lực và đầu tư công nghệ nền của ngành. Tôi cho rằng đây là một ý tưởng khá táo bạo và hợp lý, có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Những cột mốc Trường Hải

1997: Thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ôtô Trường Hải với số nhân viên chỉ khoảng 20 người (hiện nay tổng số cán bộ công nhân viên đã lên tới hơn 7.000 người).

1998: Thành lập Văn phòng Đại diện tại TP.HCM, nơi được xem là thị trường lớn nhất của cả nước về ôtô nhằm mở rộng thị phần.

2001: Thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ôtô Trường Hải I, là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đầu tư xây dựng một nhà máy lắp ráp ôtô với diện tích 4 ha, tổng vốn 70 tỉ đồng tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 2 để mua linh kiện của Hàn Quốc về lắp ráp các loại xe tải nhẹ.

Tháng 9/2001, sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ được xuất xưởng mang tên Trường Hải.

2003: Khởi công xây dựng Khu Liên hợp sản xuất và Lắp ráp Ôtô Chu Lai - Trường Hải tháng 3/2003.

Trong năm 2002 và 2003, Công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống chi nhánh, đại lý phân phối khắp cả nước, đưa doanh số tăng lên 1.000 tỉ đồng/năm.

2004: Thành lập Công ty Tàu biển Chu Lai - Trường Hải với 2 chiếc tàu Truong Hai Star I và II, để chủ động vận chuyển vật tư, thiết bị từ nước ngoài nhập về để sản xuất và lắp ráp ôtô.

No comments:

Post a Comment

 
Buôn Chuyện | Tám Thoải Mái luôn